Tủ bếp nhựa laminate : đặc điểm và cách chọn lựa

Trên thị trường có khá nhiều loại bề mặt phủ dành cho gỗ công nghiệp như: Acrylic, Melamine… Tuy nhiên Laminate vẫn luôn là chọn lựa yêu thích của nhiều người. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn thấy rõ hơn và mang đến cho bạn một vài gợi ý khi sử dụng chất liệu này.

Laminate cơ bản là nhựa, được tạo thành bởi nhiều lớp giấy phim in màu được ép cùng nhau và được sử dụng để phủ lên bề mặt gỗ công nghiệp nhằm tăng thẩm mỹ và bảo vệ lõi gỗ bên trong.

1. Đặc điểm của bề mặt Laminate

Nhiều người quan niệm rằng gỗ công nghiệp thường hư nhanh vì nước có thể thấm vào lõi gỗ qua bề mặt phủ. Tuy nhiên quan điểm này là không đúng vì bản chất của Laminate (và Melamine, Acrylic) là nhựa nên chúng không ngấm nước. Nước sẽ ngấm qua các đường mép, cạnh dán của tủ bếp. Vì vậy, lớp phủ Laminate có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ độ bền của tủ bếp.

Laminate là chất liệu có độ bền cao, khả năng chống xước tốt hơn các bề mặt cơ bản khác như Melamine, Acrylic, Veeneer, sơn. Nếu bạn làm tủ bếp có bề mặt phủ Laminate, tủ sẽ giữ được độ mới và đẹp lâu hơn.

Tuy nhiên, bề mặt Laminate cũng có những nhược điểm như giá thành khá cao, cao hơn Melamine. Ngoài ra, khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, Laminate cũng nhanh phai màu. Vì vậy khi bạn làm tủ bếp, các đơn vị thi công thường khuyến khích bạn thiết kế thêm rèm nếu tủ bếp được đặt gần cửa.

2. Gợi ý lựa chọn chất liệu

Về cơ bản, chất liệu Laminate có 4 loại kết cấu bề mặt phổ biến là: Lì, bóng, satin và vân gỗ. Cách phân biệt này là do cảm nhận khi bạn chạm vào và hiệu ứng của bề mặt chất liệu. Bề mặt lì không phản sáng, khi chạm rất lì như tên gọi. Bề mặt này đặc biệt phù hợp cho những căn hộ chung cư vừa và nhỏ nhưng thiết kế thanh lịch, tinh tế và hiện đại. Bạn có thể chọn màu đơn sắc nhưng ấn tượng và thu hút như xám tối, trắng… hoặc kết hợp các màu với nhau như xanh và trắng, xám và trắng… theo phong cách tối giản hoặc Bắc Âu.

Bề mặt bóng là bề mặt bắt sáng tốt, khi chạm vào bạn sẽ cảm thấy trơn và nhẵn. Tuy nhiên, bề mặt bóng Laminate sẽ không phản sáng hay bóng được như chất liệu Acrylic bóng gương. Với Laminate bóng, căn bếp nhà bạn sẽ sáng sủa hơn, đây là lựa chọn phù hợp cho không gian nhỏ. Vẫn mang vẻ hiện đại nhưng bề mặt bóng trông nổi bật hơn bề mặt lì. Bạn có thể chọn các màu tối như đen, xám hoặc màu nổi bật như vàng, đỏ… hay đơn giản hơn là trắng, xám nhạt hoặc kết hợp nhiều màu với nhau: trắng và vân gỗ (bề mặt lì)…

Bề mặt satin và vân gỗ ít phổ biến hơn với căn hộ chung cư tại các thành phố. Bề mặt sần sùi của Laminate vân gỗ sẽ tạo cảm giác chân thật, gần gũi hơn so với các bề mặt khác. Tuy nhiên, nét cổ điển mà bề mặt này mang lại sẽ không phù hợp với những căn hộ nhỏ, hiện đại. Đây sẽ là lựa chọn phù hợp cho những căn biệt thự hoặc nhà lớn vùng ngoài ô với không gian rộng rãi, nhiều đồ trang trí cây xanh. Bạn nên chọn những màu trầm để tăng sự sang trọng, ấn tượng cho căn bếp. Đối với bề mặt satin, sự hạn chế về màu sắc, họa tiết sẽ khiến bạn có ít lựa chọn hơn. Vì vậy, đây là bề mặt không được yêu thích nhiều.

Theo homedsgn